Vụ đông xuân 2016 - 2017, Doanh nghiệp Tư nhân Xuân Hà, đội 14, xã Thanh An tiến hành gieo cấy thử nghiệm hơn 2.500m2 giống lúa Bắc hương 9 trên địa bàn xã Thanh Yên. Cùng với việc hỗ trợ giống, kỹ thuật cho bà con nông dân tham gia mô hình, doanh nghiệp còn liên kết với Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương tỉnh Điện Biên bao tiêu sản phẩm lúa. Mặc dù diện tích sản xuất nhỏ, nhưng với việc bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa của nông dân, 2 công ty đã bước đầu hình thành nên mô hình chuỗi liên kết: Doanh nghiệp sản xuất giống - người trồng lúa - doanh nghiệp chế biến gạo, mang lại sự yên tâm cho người trồng lúa.
Công nhân Công ty TNHH Safe Green trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Thanh An (huyện Điện Biên).
Cũng nhằm mục tiêu hình thành chuỗi liên kết cho sản phẩm nông sản sạch, năm 2015, sau khi thành lập Công ty TNHH Safe Green, chị Nguyễn Thị Hiên, đội 5, xã Thanh An, Giám đốc Công ty đã mở cửa hàng bán rau, củ quả sạch trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Ngoài bày bán sản phẩm do Công ty sản xuất, chị Hiên còn “bắt tay” với một số đối tác sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn trên địa bàn huyện để hỗ trợ đầu ra như: HTX Rau, củ, quả an toàn Thanh Đông (xã Thanh Xương); các hộ trồng rau gia vị ở xã Thanh Hưng và một số hộ trồng rau an toàn xã Noong Luống... Theo chia sẻ của chị Hiên: “Mặc dù quy mô và các sản phẩm bán ra chưa nhiều, song việc liên kết đã giúp chúng tôi chủ động được nguồn hàng chất lượng”.
Hiệu quả của phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết không chỉ giúp nông dân chủ động được đầu ra sản phẩm, doanh nghiệp có nguồn hàng chất lượng cao mà cơ quan chức năng cũng dễ dàng quản lý và người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Với tiềm năng sẵn có như: Diện tích sản xuất lúa chất lượng cao trên 6.100ha (chiếm 64% tổng diện tích lúa 2 vụ toàn huyện), trên 4.600ha ngô với sản lượng gần 23.000 tấn/năm và trên 2.400ha cây rau màu các loại, trong giai đoạn 2017 - 2020, huyện Điện Biên đã xây dựng phương án tập trung phát triển một số loại cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh gồm: lúa chất lượng cao, ngô hàng hóa và rau an toàn để phát triển theo chuỗi liên kết. Tuy nhiên, hiện nay việc nhân rộng và phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trong phương án lựa chọn một số sản phẩm chủ lực của địa phương theo chuỗi liên kết giai đoạn 2017 - 2020, huyện Điện Biên đưa ra quan điểm “xây dựng và phát triển các loại sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương phải tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, tập trung, cánh đồng lớn gắn với chuỗi giá trị, trong đó doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác phải là “đầu kéo” cho sản xuất, trên cơ sở huy động cao các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế tham gia, phát huy hiệu quả sự hỗ trợ của Nhà nước”. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là hầu hết các doanh nghiệp đều là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nông dân sản xuất manh mún, chưa đảm bảo đồng đều chất lượng, số lượng nên khó khăn trong ký kết hợp đồng lớn. Theo thống kê hiện trên địa bàn huyện có 43 HTX, nhưng hầu hết hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản có quy mô nhỏ, vốn ít, các dịch vụ thực hiện đơn điệu, hiệu quả kinh doanh thấp. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào nông nghiệp dễ gặp nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, giá cả các mặt hàng nông nghiệp thiếu ổn định nên chưa thực sự thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm; cùng với đó là công tác quy hoạch vùng sản xuất trên địa bàn chưa thực hiện được... Bởi vậy, những mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết trên địa bàn huyện mới chỉ ở quy mô nhỏ, việc liên kết còn lỏng lẻo.
Nhằm từng bước gỡ khó khăn trong phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết, huyện Điện Biên đã đưa ra nhiều giải pháp như: Rà soát, xây dựng quy hoạch chi tiết các vùng sản xuất cây trồng chủ lực dựa trên tiềm năng, lợi thế, đảm bảo có sự liên kết giữa các vùng sản xuất và dự báo nhu cầu của thị trường; tập trung chuyển giao ứng dụng một số giống mới, năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất tạo bước đột phá cho các loại cây, sản phẩm chủ lực; tăng cường các hình thức sản xuất liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân; có chính sách thu hút, hỗ trợ nhằm thúc đẩy quá trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2020, trên 70% diện tích thực hiện bằng máy móc cả 3 khâu: làm đất, gieo hạt, thu hoạch. Đồng thời, xây dựng, ban hành quy định chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước nhằm khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn.
Nguồn tin: snnptnt.dienbien.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn